Dấu ấn của đề tài LGBT trên màn ảnh xứ Hàn

Dường như có sự khác biệt tương đối lớn giữa những bộ phim đề tài LGBT trên màn ảnh nhỏ và màn ảnh rộng xứ Hàn.

Được biết đến là một quốc gia phát triển với trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến và nền công nghiệp giải trí hàng đầu, nhưng ở Hàn Quốc vẫn còn tồn tại những định kiến bảo thủ dành cho người đồng tính. Cộng đồng LGBT tại Hàn hiện nay vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn về mặt pháp lý và tình trạng phân biệt đối xử. Trên lĩnh vực nghệ thuật, dù không cởi mở như những nền giải trí châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, nhưng đề tài LGBT vẫn được giới làm phim Hàn tiếp cận và khai thác theo nhiều cách khác nhau.

Màn ảnh rộng không hề “kiêng dè”

Khi nhắc đến các bộ phim lấy đề tài LGBT của điện ảnh xứ kim chi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến “Nhà vua và chàng hề” (2005) hay “Song Hoa Điếm” (2008). Tuy nhiên, ít ai biết “No Regret” (2006) của đạo diễn Leesong Hee-il mới được xem là bộ phim đề tài đồng tính thật sự đầu tiên của Hàn Quốc. Ngoài ra, đây cũng là bộ phim đầu tiên được đạo diễn bởi một nhà làm phim là người công khai đồng tính.

“No Regret” là câu mối tình đầy nước mắt của một chàng trai phục vụ quán bar và con trai của một gia đình giàu có.

Dù cái nhìn của công chúng nói chung vẫn còn khắt khe, nhưng phim đề tài LGBT trên màn ảnh rộng của Hàn không hề ít. Trước “No Regret”, quan hệ đồng tính đã được đưa vào nhiều bộ phim, nhưng không nắm giữ vai trò chủ đạo mà được đặt trong nhiều mối quan hệ chồng chéo, hoặc bị che lấp trong một bức tranh chủ đề lớn hơn. Đó là trường hợp của “Vua và chàng hề” hay “Bungee Jumping of their Own” (2001).

“Vua và Chàng hề” để lại nhiều ray rứt vì số phận của hai nhân vật Gong Gil (Lee Joon Ki) và Jang Sang (Kam Woo Sung).
Sau này, “Song Hoa Điếm” với những cảnh nóng đầy táo bạo cùng nội dung bi kịch đã chen chân vào top những bộ phim đề tài LGBT ấn tượng nhất màn ảnh Hàn.

So với đề tài đồng tính nam, đề tài đồng tính nữ ít được khai thác hơn và cũng có ít tác phẩm tạo được dấu ấn lớn. Tiêu biểu nhất chắc chắn là “The Handmaiden – Người hầu gái” do đạo diễn lừng danh Park Chan Wook thực hiện. Bộ phim được mời tham dự liên hoan phim Cannes và nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình.

Phim truyền hình vẫn còn hạn chế

Trên địa hạt truyền hình, chủ đề LGBT bị hạn chế hơn hẳn so với trên màn ảnh rộng. Vì có khả năng tiếp cận tới nhiều khán giả ở đa dạng độ tuổi, nên các nhà làm phim truyền hình luôn phải cẩn trọng khi khai thác chủ đề đồng giới để tránh phản ứng tiêu cực từ người xem.

Năm 2010, đài truyền hình SBS cho lên sóng phim “Life is beautiful” mô tả một mối tình đồng tính bình dị và lãng mạn giữa những mối quan hệ chồng chéo khác trong một đại gia đình. Bộ phim được phát sóng vào giờ vàng dành cho mọi đối tượng khán giả, và được chấp bút bởi nữ biên kịch kỳ cựu Kim Soo Hyun. Bà từng khẳng định trên tờ JoongAng Ilbo. “Khi một gia đình quá đông thành viên, cũng nhiều khả năng có người đồng tính chứ. Tôi biết mình đang động chạm đến một điểm nhạy cảm nhưng tôi không có ý định gây nhiều tranh cãi đến thế”. “Life is beautiful” đã cổ vũ nhiều người đồng tính công khai giới tính thật của mình với gia đình. Song mặt khác, một bộ phận khán giả cũng lên tiếng chỉ trích phim. Một tổ chức của các bà mẹ ở Hàn Quốc tuyên bố trên tờ Chosun Ilbo rằng nếu con trai họ trở nên đồng tính và bị AIDS sau khi xem phim, họ sẽ buộc đài truyền hình SBS phải chịu trách nhiệm.

“Life is beautiful” mô tả mối tình của Yang Tae Sub (Song Chang Ui) – một bác sĩ luôn cảm thấy lạc lõng trong chính gia đình mình và Kim Kyung Soo (Lee Sang Woo), một nhiếp ảnh gia nghiệp dư. Hai người nảy sinh tình cảm vì thấu hiểu những nỗi đau riêng của nhau.

Không nhiều phim truyền hình Hàn “dám” đưa một cặp đôi đồng tính lên làm nhân vật chính của phim, nhưng tình cảm đồng tính của các nhân vật phụ vẫn được khéo léo lồng ghép. Cơn sốt truyền hình “Reply 1997” (2012) từng để lại nhiều cảm xúc cho khán giả khi khai thác tình cảm giấu kín của Joon Hee (Hoya) dành cho Joon Jae (Seo In Guk). Ngay từ đầu, biên kịch đã đưa ra gợi mở về xu hướng tính dục của Joon Hee khi xây dựng nhân vật này là một chàng trai vô cùng nhạy cảm, tinh tế. Không thể bày tỏ tình cảm của mình nhưng Joon Hee luôn ở bên giúp đỡ, cổ vũ Yoon Jae trong mọi chuyện. Tình cảm chân thành và cao thượng của Joon Hee đã tạo được sự xúc động lớn cho người xem.

Joon Hee là một trong những nhân vật để lại nhiều cảm xúc nhất trong lòng khán giả sau khi xem “Reply 1997”.

Trong khoảng hai năm trở lại đây, khán giả màn ảnh nhỏ xứ kim chi đã chứng kiến những thay đổi đáng mừng khi liên tiếp các phim lên sóng đều có sự xuất hiện của những nhân vật là người đồng tính. Điển hình như chàng gay “xéo xắt” Oh Dong Pyung (Kim Won Hae) trong “Strong Woman Do Bong Soon” (2017) hay nghệ nhân thời Joseon Lee Mong Ryong (Hong Suk Chun) trong phim cổ trang “Saimdang, Light’s Diary” (2017). Đặc biệt, Hong Suk Chun chính là nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên công khai giới tính thật của mình.

Oh Dong Pyung (Kim Won Hae) trong “Strong Woman Do Bong Soon” (2017).
Hong Suk Chun chính là nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên công khai giới tính thật của mình.

“Khi mà người xem đã sẵn sàng để chấp nhận nhiều kiểu nhân vật khác nhau, sẽ càng ngày càng có nhiều bộ phim truyền hình khai thác đề tài tình yêu đồng tính được thực hiện” – một thành viên của ê-kíp sản xuất “Strong Woman Do Bong Soon” chia sẻ. Với những tín hiệu đáng mừng này, hi vọng rằng trong tương lai, cộng đồng LGBT tại Hàn sẽ tìm được vị trí xứng đáng của mình không chỉ trong phim ảnh, mà ngay cả ở những lĩnh vực khác.

Mer

Mọi ý kiến đóng góp về bài viết xin gửi về địa chỉ: 
Và đừng quên lắng nghe các chương trình thú vị của Xone Radio trên App

Leave a Comment